Núi Bà Tây Ninh tổ chức chương trình văn hóa nghệ thuật mừng lễ Phật Đản vào hai đêm ngày 3-4/6 (nhằm ngày 16-17/4 âm lịch)

Đồng hành với các hoạt động lễ chính diễn ra tại hệ thống các chùa núi Bà (Tây Ninh) trong dịp Đại lễ Phật đản Vesak 2023, Sun World Ba Den Mountain sẽ tổ chức chuỗi chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc vào hai ngày 3-4/6 (nhằm ngày 16-17/4 âm lịch).

Đại lễ Phật đản hay còn gọi là Đại lễ Vesak được tổ chức vào tháng 4 âm lịch hàng năm, kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được sinh ra ở thế kỷ thứ VII trước Công nguyên. Đây được coi là sự kiện trọng đại nhất đối với các Phật tử khắp thế giới, và được kỷ niệm với nhiều hoạt động ý nghĩa tại các quốc gia có sự hiện diện của đạo Phật.

Tại núi Bà Đen năm nay, chuỗi chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc và ý nghĩa sẽ được tổ chức trên khu vực đỉnh núi nhằm hưởng ứng Đại lễ Phật đản diễn ra tại hệ thống các chùa núi Bà.

Theo đó, trong hai tối mồng 3 & 4/6 (nhằm ngày 16-17/4 âm lịch), du khách và các Phật tử tới núi Bà sẽ được tham dự màn diễu hành dâng hoa đăng kính mừng Phật Đản tổ chức trang nghiêm tại khu vực quảng trường dưới chân Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Đây là hoạt động để tưởng nhớ, tôn vinh Đức Phật và gửi gắm ước mơ, nguyện cầu may mắn, bình an cho gia đình và cho chúng sanh.

2000 ngọn đăng bằng gỗ đặc biệt được Sun World Ba Den Mountain làm riêng để các Phật tử và du khách sẽ tự tay ráp đèn, viết lời khấn nguyện và thực hiện nghi thức dâng đăng, thả đèn vào các đĩa nước dưới chân Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn.

Hàng ngàn ngọn đèn hoa đăng sẽ thắp sáng các đĩa nước, soi sáng cột kinh Bát Nhã dát vàng với đế trụ từ khu giảng pháp dưới lòng đất vươn lên giữa đĩa nước lớn nhất tại trung tâm của khu vực quảng trường, tạo nên khung cảnh lung linh kỳ ảo, trong không gian linh thiêng trên đỉnh núi Bà.

Nghi thức thả đèn hoa đăng thiêng liêng sẽ được tiếp nối bằng chương trình nghệ thuật mang chủ đề Ngàn Vạn Hào Quang, với những màn múa dân gian đặc sắc như múa đèn hoa đăng, múa dâng hoa... Cùng với đó là nhiều màn múa hát với các ca khúc đậm tinh thần Phật giáo như Tạ Ơn Từ Phụ, Tán Thán Cõi Phật A Di Đà, Nhân Thiên Kỷ Niệm Ngày Đức Phật Đản Sinh, Tầm Ánh Đạo Vàng, Lạy Phật Con Đã Trở Về… được trình diễn bởi các nghệ sỹ đến từ TP Hồ Chí Minh.

Được tổ chức từ 18h30 tối, các hoạt động nghệ thuật kính mừng Phật Đản cũng là cơ hội tuyệt vời để du khách và Phật tử chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh trong đêm của quần thể các công trình tâm linh trên núi Bà Đen, dưới hệ thống chiếu sáng nghệ thuật độc đáo lần đầu tiên có tại Việt Nam. 3.500 ngọn đèn led cùng hơn 480 ngọn đèn âm sàn sẽ đem đến màn trình diễn ánh sáng độc nhất vô nhị, với các hình ảnh biểu tượng của Phật giáo như chữ Vạn, hoa sen…

Dâng đăng nguyện cầu bình an kính mừng Phật đản, thưởng thức những tiết mục văn hóa mang đậm tinh thần Phật giáo trong một không gian ánh sáng nghệ thuật độc đáo, giữa tiết trời mát lạnh và sương mây bảng lảng trên đỉnh núi lúc đêm về, đó là một trải nghiệm hứa hẹn đem đến những xúc cảm đặc biệt cho du khách và Phật tử khi đến với Núi Bà dịp này. Đặc biệt hơn nữa, giá vé cáp treo Sun World Ba Den Mountain lên đỉnh núi vào buổi tối hiện chỉ còn 200.000đồng/người lớn và 100.000đồng/trẻ em.

Được biết đến là ngọn núi thiêng nhất Nam bộ, núi Bà Đen trở thành biểu tượng tâm linh của người miền Nam, gắn liền với huyền thoại về Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát. Trên đỉnh núi là một hệ thống công trình tâm linh quy mô, kỳ vĩ với bức tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Châu Á và khu triển lãm Phật giáo quy mô 4 tầng ngay dưới chân tượng. Tại đây, du khách sẽ được khám phá thế giới Phật giáo thông qua các công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới như video 3D mapping, Hologram, hay các phiên bản mô phỏng các tác phẩm Phật giáo kinh điển của Việt Nam và thế giới.

Hằng năm có hàng triệu du khách đến với núi Bà Đen để chiêm bái, hành hương và tìm chốn cân bằng thân, tâm, trí. Nhiều sự kiện văn hoá tín ngưỡng được tổ chức tại núi Bà Đen cũng hút hàng ngàn Phật tử và du khách như Lễ hội Xuân núi Bà dịp đầu xuân, Lễ Vía Quán Thế Âm Bồ Tát đản sanh, Lễ hội Vía Bà Đen…, đưa ngọn núi này trở thành điểm đến tín ngưỡng hàng đầu Nam bộ.

Mùa Phật đản năm nay, núi Bà Đen kỳ vọng sẽ tiếp tục trở thành điểm đến hành hương của Phật tử và du khách trên cả nước để cầu bình an, may mắn, tìm hiểu về Phật pháp, và hòa mình vào không khí vui tươi, nhộn nhịp mừng ngày Đức Thế Tôn giáng trần./.

Trải nghiệm tuyến cáp mới nối thẳng từ Chùa Bà lên đỉnh núi

Tuyến cáp treo Tâm An nối thẳng từ chùa Bà lên đỉnh Núi là hạng mục mới đầu tiên của năm 2023 được Sun World Ba Den Mountain ra mắt năm nay. Với độ dài 1.208m, độ chênh giữa hai nhà ga là 639,70 m và 76 cabin hiện đại, tuyến cáp treo Tâm An sẽ giúp hành trình tâm linh tại Sun World Ba Den Mountain thuận tiện hơn bao giờ hết. 

Tuyến cáp treo Tâm An dẫn thẳng từ chùa Bà lên đỉnh Núi

Từ cabin của tuyến cáp treo mới, du khách sẽ có một hành trình thưởng ngoạn một cách ngoạn mục, khi được chiêm ngưỡng toàn bộ quần thể các chùa trên Núi Bà linh thiêng bên sườn núi, ngắm nhìn toàn cảnh hồ Dầu Tiếng giữa những khoảng xanh mênh mông trù phú của đồng bằng Đông Nam bộ và Mỏm Đầu Rùa – một điểm check-in nổi tiếng tại Tây Ninh.

Tuyến cáp Tâm An không chỉ là tuyến cáp có tầm nhìn đẹp nhất tại khu du lịch (KDL) Sun World Ba Den Mountain, mà đây còn là một trong những hệ thống cáp treo có độ dốc lớn nhất thế giới, sở hữu độ dốc trung bình 63,53% (khoảng 32,43 độ) và độ dốc tối đa 104% (khoảng 45 độ). Với độ dốc đặc biệt này và tốc độ di chuyển 6m/s, tuyến cáp sẽ đưa du khách từ Chùa Bà vượt qua các vách núi dựng đứng để đến với “nóc nhà Nam Bộ” chỉ trong khoảng thời gian hơn 5 phút. 

Cột kinh Bát Nhã tâm kinh

Cùng với tuyến cáp treo mới Tâm An, Tết này đến Sun World Ba Den Mountain, du khách sẽ choáng ngợp trước một công trình mới vừa ra mắt trước thềm năm mới. Đó là cụm Cột kinh Bát Nhã tâm kinh, được đặt tại khu vực trung tâm của quần thể các công trình kiến trúc tâm linh trên đỉnh Núi Bà Đen. 

Cụm gồm 5 trụ kinh bằng đá granite đen kim sa, điêu khắc tâm kinh Bát Nhã bằng chữ Tây Tạng, trong đó, trụ kinh lớn nhất có đường kính 2m và cao 19.7m, 4 trụ nhỏ đường kính 1.6m cao 9m. Với đế trụ Cột kinh được bắt đầu từ khu giảng pháp đường dưới lòng đất, cụm Cột kinh trên đỉnh thiêng sẽ trở thành một biểu tượng mới của miền biên viễn, để mỗi Phật tử, du khách hướng về khi muốn tâm tĩnh, lòng an.

“Loá mắt” với Trụ Kinh Luân dưới chân khối đế Tượng Tây Bổ Đà Sơn

Trụ Kinh Luân là một loại pháp khí được sử dụng cho việc hành trì tụng niệm trong Phật giáo Tây Tạng. Với kết cấu hình trụ, chính giữa có một trục có thể xoay quanh được, bên trong các khối trụ Kinh Luân này dán những tấm giấy chép kinh văn, vỏ bên ngoài chạm khắc thần chú Lục Tự Đại Minh chân ngôn cùng các biểu tượng Tam muội da của Chư Phật hoặc các biểu tượng cát tường.

Người cầu nguyện sẽ vừa xoay nhẹ bánh xe Kinh Luân, vừa tụng niệm thần chú Om Mani Padme Hum, nhằm ca tụng và ghi nhớ hồng danh Chư Phật. Trong bánh xe chứa hàng nghìn câu tụng niệm Om Mani Padme Hum- thần chú chứa đựng tấm lòng đại từ đại bi Quan Thế Âm Bồ Tát.
Theo tư tưởng Phật giáo truyền thừa, việc quay bánh xe cầu nguyện và niệm thần chú cũng có tác dụng tương đương như việc đọc ra lời cầu nguyện. Khi quay bánh xe, bao nhiêu câu thần chú ở bên trong cũng sẽ tương ứng với bấy nhiêu lần tụng niệm.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy: “Một lần quay kinh luân còn tốt hơn nhập thất trong nhiều năm, dù đó là một thực hành tâm linh mãnh liệt”. Ngài nói chuyển bánh xe pháp còn tốt hơn lắng nghe, suy tư và thiền định trong 1 tỷ năm.
Đức Phật A Di Đà truyền rằng: “Kẻ nào trì tụng thần chú 6 âm trong lúc quay kinh luân, phước kẻ đó ngang với 1000 vị Phật”.

Đức Liên Hoa Sinh nói: “Ngay cả với kẻ thiếu kiên trì, quay kinh luân vẫn có được những năng lực kỳ diệu”. Bởi vậy, kinh luân được mệnh danh là món Pháp khí Mật tông mạnh mẽ nhất trong việc tu tập tích luỹ công đức.
Nhiều người tin rằng, khi sử dụng kinh luân, họ sẽ nhận được công đức vô lượng từ Chư Phật đại bi. Việc mang kinh luân bên mình sẽ đem đến nhiều điều tốt lành, xua tan mọi phiền muộn, tịnh hoá được nghiệp tâm và tích được nhiều quả công đức viên mãn.