Toàn cảnh núi Bà Đen – “nóc nhà” Đông Nam bộ nhìn từ những ô ruộng xanh mướt. Ảnh: Vnexpress
Đường sá thoáng rộng giữa bạt ngàn xanh. Nhà cửa phố xá nhộn nhịp nhưng chưa xô bồ. Nghỉ đêm ở khách sạn Sunrise, đoàn bất ngờ vì 4 sao ở tỉnh mà dịch vụ chuẩn quốc tế. Cách đó không xa là khách sạn Vinpearl 5 sao.
Du lịch Tây Ninh có nhiều điểm lạ, không đâu có; đúc kết thành 223 BMT, xếp theo thứ tự chữ cái, viết tắt từng điểm đến.
2B
B1 – Bà Đen, núi cao nhất Nam bộ, 986m, rộng 24 km2 gồm núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen. Trên núi có các chùa như Điện Bà, Hạ, Trung, Thượng, Hang… cùng nhiều hang động hình tượng như Thanh Long, Ông Hổ, Ba Cô, Ba Tuần, Ông Tà, Thiên Thai, Chiến Sĩ…. Núi có thể nhìn thấy từ xa hơn 40 km.
Giữa bầu trời trong vắt, núi Bà như chiếc nón bài thơ khổng lồ úp xuống đồng lúa mượt mà xanh tơ.
Con đường với hai bên là cánh rừng cao su bạt ngàn. Ảnh: Vnexpress
KDL Núi Bà tiên phong dẹp nạn ăn xin và bán hàng rong từ 1997, đột phá với những dịch vụ đầu tiên ở Việt Nam như cáp treo (08.3.1998), máng trượt (30.4.2002).
Ngày 18.1.2020, khai trương cáp treo Vân Sơn lên đỉnh Bà Đen, dài 1.847m, độ chênh lệch 886m gồm 113 cabin, công suất vận chuyển 4.400 khách giờ. Nhà ga cáp treo Bà Đen lớn nhất thế giới, gần 11.000 m2. Cung đường 21km, quanh chân núi như Việt Nam thu nhỏ.
Trên đỉnh núi Bà, cảnh trí đẹp và khí hậu như Đà Lạt, tha hồ thu cả đất trời vào tầm mắt. Từ Dầu Tiếng, hồ thủy lợi lớn bậc nhất ASEAN đến Tây Ninh và vùng phụ cận. Nếu có ống nhòm chuyên dụng, có thể nhìn thấy Sài Gòn lẫn Phnom Pênh. Tiếc là trên đỉnh nóc nhà Nam bộ đang vội vã dựng tượng Phật khổng lồ cao 76m, phá vỡ hết cảnh quan.
Cảnh đẹp ấn tượng của hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Vnexpress
B2 – bánh canh, bánh tráng phơi sương, bánh tráng trộn. Bánh canh gạo không dùng hàn the. Ngon nhất là heo thả; kế là heo nuôi gia đình. Nước mắm nguyên chất, có tiêu và ớt xắt.
Rau bánh canh phải có bốn thứ lá đặc trưng là quế vị – the, cóc – chua, nhái – đắng, sông – chát. Lá sông còn gọi là lá xông (đọc trệch âm), mọc ven sông rạch hoặc lá lụa (lá non), tác dụng kích thích tiêu hóa. Chợ Trảng Bàng có bánh canh 2 tô, 1 tô bánh và 1 tô đuôi heo, ngon bá cháy.
Bánh tráng phơi sương cuốn thịt heo.
Bánh tráng Tây Ninh mỏng, cuốn với thịt luộc và các loại rau đặc trưng. Có giai thoại kể, bánh tráng phơi sương là sản phẩm lỗi. Bánh thường phải phơi nắng. Lần nọ, con gái xứ khác về làm dâu Tây Ninh quên dọn bánh vào nhà, để phơi sương qua đêm. Thương vợ, chồng lấp liếm, lấy bánh phơi sương ra ăn và mời cả nhà dùng thử. Bất ngờ với món lạ, ai cũng khen ngon. Món này cuốn với heo hay bò luộc và rau Trảng Bàng thì ngon “điếc” mũi.
Bánh tráng trộn là bánh tráng mỏng, cắt miếng vừa ăn, trộn mỡ hành, đậu phộng rang, xoài hoặc đu đủ, thêm chút rau răm, sa tế, vài giọt tắc là thành món ăn dân dã, ngon miệng. Hiện có rất nhiều biến tấu như thêm chà bông (ruốc), các loại khô, trứng luộc, phô mai, hành phi, sốt mayonnaise…
Người dân đang phơi ớt tại Trảng Bàng. Ảnh: Vnexpress
2 M
M1 – muối tôm, đặc sản biển dù Tây Ninh không có biển. Chuyện kể là từ 1968, ba đi vó về, tép đồng ăn không hết, cô bé Lê Thị Mỹ Vân (chủ cơ sở muối tôm Mỹ Vân hiện nay), mới hơn 10 tuổi đầu, đã biết giã tép với muối, thêm chút ớt và đường, để dành cho những ngày mưa bão.
Rang muối tại cơ sở sản xuất Phú Gia Bảo ấp Cây Ninh, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu. Ảnh: Thượng Tùng
Sau 1975, lúc khốn khó, món ăn dân dã này càng được tận dụng. Khi đất nước đổi mới, nhiều bạn bè Sài Gòn và các tỉnh đến chơi, được nếm thử món muối tép với cơm, trái cây, nêm canh… thấy ngon và lạ. Dần dà, muối tép đồng thành muối tôm biển. Phải rang tay với muối hột, tôm tươi, ớt bột và gia vị. Tiếc là nhiều nơi bắt chước làm lại nhưng chỉ giữ được cái tên, còn chất lượng thì… Điều này gây mất giá thương hiệu muối tôm thứ thiệt.
M2 – mãng cầu (còn gọi là na, mãng cầu ta) với diện tích hơn 6.000 ha, năng suất bình quân mỗi ha trên 12 tấn. Xưa, chỉ ra mỗi năm một mùa. Nay, cây cho trái quanh năm mà thú vị là nhờ… tụi trẻ con.
Cánh đồng mãng cầu.
Chuyện là mấy cây mãng cần trước cửa luôn bị trẻ con vặt hết lá chơi trò bán hàng. Vì gần cửa nên thường bị hắt nước. Mấy cây mãng cầu tội nghiệp trơ trụi, có nước tưới, bỗng đâm chồi, nẩy nụ, cho quả ngọt trái mùa. Thế là hình thành kỹ thuật trồng cây trái vụ. Ngoài cây ươm từ hạt, có cây chiết cành. Do đặc thù khí hậu hanh khô và phù sa chắt chiu, mãng cầu trồng dưới chân núi Bà Đen ngon dặc biệt.
3 T.
T1 – Toà thánh Tây Ninh, khuôn viên hình vuông, cạnh 1 km (hơn gấp đôi tòa thánh Vatican), có hàng rao bao quanh, gần 100 công trình, nối nhau bằng hệ thống đường nhựa và 12 cửa ra vào như một vương quốc.
Trung tâm là Tòa thánh rộng 22m, dài 97m5, cao 28m2 với thế “Long mã bái sơn”. Khởi dựng từ 1931, hoàn thành 1947. Công trình kiến trúc độc đáo, sắc sảo, sống động, mỗi họa tiết trang trí đều ẩn chứa những thông điệp tôn giáo, nhân sinh riêng kiểu “ý tại ngôn ngoại” nhưng không có bản vẽ. Gần trăm năm, tòa thánh lúc nào cũng sạch bong, chưa có dấu hiệu xuống cấp.
Toà thánh Tây Ninh.
Do chính người Việt sáng lập, Cao Đài tổng hòa triết lý các tôn giáo. Tham quan, tìm hiểu về đạo, nhất là tham dự các đại lễ vào 9.1 và rằm tháng 8 Âm lịch; hoặc các lễ thường ngày vào các giờ Mẹo (6g), Ngọ (12g), Dậu (18g), Tý (0g); rất thú vị.
Nếu muốn tham gia, nên có công văn xin phép trước để được các Phối sư đón tiếp, thuyết minh và hướng dẫn.
T2 – Trung ương Cục, bộ phận lãnh đạo của Đảng tại chiến trường miền Nam, nơi thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (20.12.1960) và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (08.6.1969).
Toàn bộ di tích được phục dựng nguyên vẹn giữa rừng, lỗ chỗ hố bom B52, sát cạnh biên giới Việt Nam – Campuchia. Từ nhà các lãnh đạo, hội trường, trạm xá, bếp Hoàng Cầm cho đến giao thông hào liên hoàn và hầm trú ẩn, nối nhau bằng những lối mòn râm mát.
TW Cục hấp dẫn với “ẩm thực kháng chiến” như: cơm vắt muối đậu, canh chua lá bứa, lá giang, gỏi rau nhíp, càng cua, đọt mây, măng, thịt “cọp” (muối đậu phộng, mè, muối ớt giã kêu lộp cộp), nước sâm hà thủ ô, lạc tiên, rễ tranh, ra má…
T3 – Tanifood và Trà Hoàn Ngọc. Tanifood, nhà máy hiện đại Top 5 châu Á, vốn đầu tư 1.780 tỉ, diện tích 14 ha, công suất chế biến 60.000 tấn trái cây, rau củ tươi thành sản phẩm đông lạnh, cô đặc, sấy khố, nước ép.
Nhà máy được thiết kế như một điểm du lịch công nghiệp mẫu mực của Việt Nam, để du khách xem phim tư liệu, “mục sở thị” các dây chuyền công nghệ tiên tiến bậc nhất. Qua lớp kính cường lực trong suốt, mọi thao tác của công nhân cho đến cán bộ kỹ thuật đều hiển hiện trước mắt, cứ như mình là người trong cuộc. Ra về, ai cũng hả hê, được dùng thử và mua sản phẩm chất lượng với giá kích cầu.
Trà Hoàn Ngọc – 7 Nga Tây Ninh được chế biến từ cây hoàn ngọc (còn gọi là xuân hoa, nhật nguyệt, tu lình, con khỉ, trạc mã, mặt quỷ…; họ ô rô, thân bụi; phát hiện năm 1990 ở rừng Cúc Phương). Về với Tây Ninh, hơn 40 ha hoàn ngọc được nghiên cứu, kết hợp các dược liệu quý khác như đông trùng hạ thảo, yến sào… bổ sung công dụng để chế biến thành trà và nhiều dược phẩm cao cấp. Du khách tham quan trang trại hoàn ngọc, cây ăn trái, rau củ sạch; được tặng và hướng dẫn cách trồng, sử dụng cây thuốc hoàn ngọc. Vào nhà máy xem dây chuyền sản xuất công nghệ, thưởng thức sản phẩm, dùng bữa và mua đặc sản…
Món ốc núi.
Ngoài ‘2B – 2M – 3T’, du lịch Tây Ninh còn nhiều sản phẩm thô, đang chờ “chế biến”. Đó là Bảo tàng Văn Hóa Việt, ngay cửa khẩu Mộc Bài với hàng trăm ngàn cổ vật trùm mền. Là các món ngon từ Bò với thương hiệu 5 Sánh và ốc núi. Là các M – mía, mì (sắn), mủ (cao su) và điều. Diện tích ít hơn nhưng năng suất và chế biến luôn dẫn đầu. Là các Tháp cổ Chóp Mạt và Bình Thạnh. Là xóm đạo Tha La đi vào thơ ca, nhạc họa. Là Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát với lan nắp ấm (cây ăn thịt)…
Tây Ninh có ba cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam cùng ba cửa khẩu quốc gia là: Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân và nhiều cửa khẩu tiểu ngạch. Chỉ riêng Mộc Bài, mỗi ngày có 78 chuyến xe buýt liên vận Sài Gòn – Phnom Pênh khứ hồi. Các tour độc như “Ngược sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông khám phá thượng nguồn”, “Trekking đường quốc phòng qua 6 cửa khẩu”, “Trải nghiệm kháng chiến ở TW Cục”… Ngoài những tỉnh lân cận, khách cả nước đến Sài Gòn, nối tuyến Củ Chi, lên Tây Ninh 99km thành các tour hoàn chỉnh từ 2 ngày trở lên; kết với Phnom Penh và Kompong Cham (Campuchia) chưa tới 150 km.
Tây Ninh cần chuẩn bị cất cánh khi cao tốc An Sương – Mộc Bài của đường Xuyên Á hoàn thành. Hạ tầng đồng bộ cùng với tài nguyên, sản vật và những địa danh độc đáo hiện nay, Tây Ninh phải vươn lên top 2,3 của du lịch Đông Nam bộ chứ không mãi an phận gần “đội sổ”, chỉ hơn mỗi Bình Phước như hiện nay.
Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours, UV BCH Hiệp Hội Lữ hành Việt Nam)